Với những bài đã được chấm chung, nhận định ban đầu của hội đồng chấm thi là điểm tốt nghiệp môn Văn năm nay của thí sinh sẽ khá cao. Với những bài đã chấm, các em đều làm được bài và đặc biệt ở câu hỏi mở thí sinh được chấm 2,5/3 điểm là khá nhiều.
Nhiều bài của thí sinh đã viết rất xúc động, thể hiện sự chín chắn, sâu sắc dù các em mới 18 tuổi. Nhận định ban đầu của hội đồng chấm thi là điểm môn Văn năm nay của thí sinh sẽ khá cao.
Chiều 7-6, Hà Nội đã tiến hành chấm chung các bài thi tốt nghiệp THPT 2013 để thảo luận và thống nhất cách chấm theo đáp án và thang điểm của Bộ GD-ĐT. Theo đó, môn Văn được cho là còn nhiều thắc mắc về cách chấm điểm câu hỏi mở đã được hội đồng chấm thi thống nhất cho điểm tối đa với bài làm gây xúc động mạnh.
Câu hỏi mở giúp thí sinh có hứng thú làm bài tốt môn Văn
“Điểm Văn năm nay sẽ cao”
Đây là nhận định ban đầu của cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên môn Văn trường THPT Phan Huy Chú sau buổi chấm thi đầu tiên tại Hà Nội. Sau khi thảo luận kỹ về hướng dẫn chấm thi của Bộ GD-ĐT với các câu hỏi trong đề thi, đặc biệt là câu hỏi mở về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam, cô Nguyễn Kim Anh cho biết, các giáo viên chấm thi đều không gặp khó khăn gì trong quá trình chấm bài. “Hướng dẫn của Bộ GD-ĐT đi vào chi tiết cụ thể nhưng lại không dập khuôn. Học sinh có thể không viết đủ ý nhưng vẫn có khả năng được cho điểm tối đa ở câu hỏi mở nếu bài văn thể hiện sự đào sâu suy nghĩ, có tính thuyết phục cao. Đã có 2 bài được chấm điểm tối đa (3 điểm) cho câu hỏi mở sau khi giáo viên của hội đồng chấm thi cùng thống nhất. Bài viết của thí sinh đã viết rất xúc động, thể hiện sự chín chắn, sâu sắc dù các em mới 18 tuổi” - cô Nguyễn Kim Anh cho biết.
Với những bài đã được chấm chung, nhận định ban đầu của hội đồng chấm thi là điểm môn Văn năm nay của thí sinh sẽ khá cao. Với những bài đã chấm, các em đều làm được bài và đặc biệt ở câu hỏi mở thí sinh được chấm 2,5/3 điểm là khá nhiều. “Phần noi gương được các em mở rộng ra nhiều hướng thay vì chỉ đi vào bàn luận có nhảy xuống cứu người để bản thân thiệt mạng như nhiều ý kiến bàn luận trên phương tiện thông tin đại chúng mấy ngày gần đây. Đa số các em đều thấy được gương hy sinh của Nam đáng để học tập và từ đó mới thấy là các em hoàn toàn có thể làm tốt hơn những việc nhỏ bé hàng ngày trong đối xử với bạn bè, gia đình…” - cô Nguyễn Kim Anh khẳng định.
Dự kiến công bố kết quả thi vào 15-6
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, Hà Nội dự kiến sẽ kết thúc việc chấm thi và công bố kết quả tốt nghiệp tạm thời cho thí sinh vào khoảng 15-6. Để đảm bảo đúng tiến độ với lượng bài thi lớn nhất cả nước, được biết Hà Nội đã phải huy động 1.528 cán bộ giáo viên tham gia chấm thi. Theo ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, bài thi của hơn 76.000 thí sinh toàn thành phố được tập trung về một hội đồng chấm thi, chia thành 1 hội đồng phách, 3 phân hội đồng chấm môn tự luận, 1 hội đồng chấm trắc nghiệm với đội ngũ giáo viên nhiều kinh nghiệm lựa chọn từ các trường THPT của Hà Nội.
Năm nay, các tỉnh thành sẽ tự chấm bài thi học sinh tỉnh mình, không phải chuyển bài thi sang tỉnh khác theo quy trình chấm chéo, thời gian chấm thi có thể rút ngắn hơn khoảng hai ngày. Để đảm bảo công bằng trong công tác chấm thi, năm nay, theo ông Phạm Ngọc Trúc, Phó Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, ngoài lực lượng thanh tra của các địa phương trực tiếp giám sát quy trình chấm thi, trong đó có việc chấm kiểm tra ít nhất 5% số bài thi/môn, Bộ GD-ĐT sẽ cử các đoàn thanh tra chấm thi tới các địa phương. “Nếu trong quá trình chấm thi phát hiện có dấu hiệu tiêu cực nảy sinh từ khâu coi thi sẽ truy ngược trở lại trách nhiệm của cán bộ coi thi, lãnh đạo hội đồng coi thi” - ông Nguyễn Ngọc Trúc cho biết. Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, chậm nhất là ngày18-6, các tỉnh thành phải hoàn tất công việc chấm thi, ghép điểm và công bố cho thí sinh.
Tin bài gốc: anninhthudo
0 comments:
Post a Comment